Trang

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

Về hai bài thơ phía sau mộ Thoại Ngọc Hầu.




Những khám phá mới về hai bài thơ trên tấm bình phong

phía sau mộ Thoại Ngọc Hầu



Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm trong quần thể cụm di tích văn hóa lịch sử núi Sam thuộc thành phố Châu Đốc tỉnh An Giang đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1997. Lăng nằm đối diện với miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lưng tựa vào núi nên còn được gọi là sơn lăng. Đây là một công trình kiến trúc đậm nét văn hóa của lăng tẩm cố đô Huế , được bố trí hài hòa với cảnh quan chung quanh. Bước lên những bậc thang được làm bằng đá ong được mang từ Biên Hòa vào là một khoảng sân rộng và phẵng rồi mới đến hai cửa lăng nằm ở hai bên. Ở giữa lăng là long đình là nơi đặt một tấm bia và các câu đối trên cột. Mặt trước bia là bia thờ Thoại Ngọc Hầu còn mặt sau bia là bia Thoại Sơn đã được phục chế. Lăng được bao bọc bởi một lớp tường thành dày hơn 1m, cao khoảng hơn 2m làm bằng chất liệu hỗn hợp vôi, cát, mật đường và nhựa ô dước mặc dầu trãi qua gần 200 năm nhưng vẫn còn nguyên vẹn(1). Trong vòng thành sân lăng còn có 14 ngôi mộ bằng ô dước của những thân nhân theo ông hy sinh trong thời gian đào kinh. Có tư liệu cho rằng đây là mộ của gánh hát bộ Quảng Nam đã chết trong khi phục vụ cho dân binh đào kinh Vĩnh Tế. Tuy nhiên đây mới chỉ là phỏng đoán chứ chưa được kiểm chứng chính xác.

H01. Ngôi mộ bên trong lăng Thoại Ngọc Hầu.
Bia Vĩnh Tế Sơn được đặt ở giữa vách sau của lăng với hoa văn sắc xảo nhưng nét chữ đã mờ nhạt chỉ còn đọc được một số chữ. Bên cạnh Vĩnh Tế Sơn là 4 bia cổ của vương quốc Phù Nam. Một số bia đã được mài nhẳn các chữ, chỉ có bia bên phải còn sót lại một số chữ Phạn chưa bị mài nhẳn nhưng nét chữ đã mờ.


H02. Bia Vĩnh tế Sơn.
Ngôi mộ của Thoại Ngọc Hầu nằm ở chính giữa sau 2 bức bình phong còn hai vị phu nhân ở hai bên : nhìn từ trước vào thì mộ chính thất Châu thị Tế nằm ở bên trái còn thứ thất Trương thị Miệt nằm phía bên phải nhỏ hơn và hơi lui về phía trước.

Phía sau mộ của bà Châu thị Tế và Thoại Ngọc Hầu là hai tấm bình phong trên đó có khắc hai bài thơ. Do thời gian đã quá lâu nên những nét chữ trên hai tấm bình phong này đã mờ và bị mất nét. Những người trùng tu về sau này tô lại nên không còn giữ được nguyên vẹn của bài thơ. Có người cho rằng bài thơ này được khắc cùng lúc với việc xây dựng sơn lăng vào cuối đời của Thoại Ngọc Hầu khoảng năm 1825-1829 sau khi ông hoàn thành công trình đào kinh Vĩnh Tế. Qua việc khảo sát một số nét chữ còn sót lại trên hai tấm bình phong chúng tôi đã khám phá ra một số điều thú vị mà chưa từng một nhà nghiên cứu nào nhắc đến.

. H03 Bình phong bên trái sau mộ bà Châu Thị Tế khắc bài Tống hữu Nhơn của Lý Bạch.
Điều thú vị trước tiên là hai bài thơ này được lấy từ bài Tống hữu Nhơn và Cung Trung hành Lạc Kỳ 4 của nhà thơ Lý Bạch đời Đường tuy đã được cải biên. Việc cải biên bài thơ này chúng tôi sẽ phân tích ở phần sau.
Nguyên văn của bài thơ Tống hữu nhơn như sau.

Dịch âm :

Tống hữu nhơn

Thanh sơn hoành bắc quách,
Bạch thuỷ nhiễu đông thành.
Thử địa nhất vi biệt,
Cô bồng vạn lý chinh.
Phù vân du tử ý,
Lạc nhật cố nhân tình.
Huy thủ tự tư khứ,
Tiêu tiêu ban mã minh.
Bản dịch của Trần Trọng San :
Thơ tiển bạn
Núi ngang ải bắc xanh xanh,
Một dòng sông trắng lượn quanh đông thành.
Nơi đây cất bước viễn hành,
Cỏ bồng muôn dặm một mình xa xôi.
Ý du tử: đám mây trôi;
Tình cố nhân: ánh nắng chiều vấn vương.
Vẫy tay từ đấy lên đường,
Tiếng con ngựa hý đau thương lìa đàn.
Nguyên văn của bài Trung cung hành lạc kỳ 4 của Lý Bạch.
Cung trung hành lạc kỳ 4
Ngọc thụ xuân quy nhật,
Kim cung lạc sự đa.
Hậu đình triêu vị nhập,
Khinh liễn dạ tương qua.
Tiếu xuất hoa gian ngữ,
Kiều lai trúc hạ ca.
Mạc giao minh nguyệt khứ,
Lưu trước túy Thường Nga.
Bản dịch của Nguyễn Minh.
Thú vui trong cung kỳ 4
Xuân đã về trên cây ngà ngọc
Trong cung vàng nhiều tiệc vui chơi.
Sân sau nắng sớm chưa lai,
Xe vua còn phủ đêm dài chưa qua.
Tiếng cười nói trong hoa vọng tới,
Người đẹp ca dưới bụi trúc xanh.
Đừng cho đi mất ánh trăng,
Đặng ta chuốc rượu nàng Hằng Nga say.


H04. Bài thơ Cung trung hành lạc kỳ 4 được khắc trên tấm bình phong phía sau mộ Thoại Ngọc Hầu.
Một điều lạ là khi đối chiếu hai bài thơ trên vách phía sau mộ bà Châu thị Tế và Thoại Ngọc Hầu chúng ta nhận thấy có một số câu không giống như nguyên tác. Nếu loại trừ những chữ bị tô sai trong những đợt trùng tu vào năm 1996 và năm 2010 thì một số câu trên bài thơ nguyên tác bị cắt đi và thêm vào những câu do người khắc tạo ra.
Một số người cho rằng hai bài thơ này được khắc vào đầu thế kỷ 20 nhưng sau khi đối chiếu nét khắc trên 2 bia tại lăng Thoại Ngọc Hầu với nét khắc bài Phù Dung lâu tống Tân Tiệm kỳ 1 của Vương Xương Linh tại tấm bình phong bên mộ bà Nguyễn thị Tuyết là mẹ Thoại Ngọc Hầu được ông trùng tu lại vào đầu thập niên 1820 thì 2 bài thơ này do cùng một người khắc. Vì thế chúng tôi có thể khẳng định là hai bài thơ của Lý Bạch được ông cho khắc lúc xây sơn lăng tại núi Sam, Châu Đốc.
Nếu phân tích bài Tống hữu nhơn trên tấm bình phong so với nguyên tác ta thấy có một số khác biệt như sau :
-  Cách bố cục của bài thơ trên tấm bình phong mỗi cột là 6 chữ không giống với thể loại ngũ ngôn bát cú theo nguyên tác.
-  Nơi cột đầu thiếu chữ quách ()lại dư chữ nhật ().
-  Cột thứ 2 ở 2 dòng cuối lại dùng chữ Tây Hà (西河) thay vì chữ thử địa ()như nguyên tác.
-  Chữ lạc () bị tô thiếu nét còn chữ nhật ()cũng bị tô thiếu nét dưới.
Chữ cô bồng vạn () được thay bằng chữ đương lập (當立)thiếu mất 1 chữ.
 Sai sót này có thể là do những người trùng tu về sau này không nắm rõ những chữ bị mờ hay mất trên bia nên tô nhầm.
Một điều lạ là hai câu cuối của bài thơ lại được thay bằng 2 câu khác, chỉ giữ lại 3 chữ sau cùng là ban mã minh.
Nguyên văn 2 câu cuối trên bia là :
此闲来𢓸(thử nhàn lai vãng ái)
嘯?( Tiêu ? ban mã minh)
( ch tiêu bị thiếu mất 1 chữ)
So với nguyên tác :
(Huy thủ tự tư khứ,)
       (2) (Tiêu tiêu ban mã minh).
Ngoài ra ở cuối bài còn có lạc khoản ghi là : 書扵溈岐心 (thư ư vi kỳ tâm : viết cho người tên là Vi Kỳ Tâm.
Đối với bài thơ ngũ ngôn bát cú Cung trung hành lạc kỳ 4, những chữ khắc trên bia lại bố trí mỗi cột 8 chữ, một số chữ không giống như nguyên tác. Ngoài ra , hai câu cuối của bài thơ bị cắt và thêm vào ý của người khắc. Nét chữ thư pháp của bài thơ vẫn còn sắc nét chưa bị sửa đổi chứng tỏ sự sai lệch này là do ý đồ của người khắc chứ không phải là ngẫu nhiên.
-  Ở dòng thứ 4 cột đầu của bài thơ khắc trên bình phong, chữ quy ()bộ xước trên bia và chữ quy () bộ chỉ trong nguyên tác cùng nghĩa nhau.
-  Ở dòng cuối của câu chứ 5(cột thứ 4 dòng 2 trên bình phong) sau chữ gian () lại thiếu chữ ngữ ().
-  Ở dòng đầu câu chứ 6 chữ kiều () trong nguyên tác  có nghĩa là người đẹp còn trên bia chữ kiêu (驕) trên bia ( chữ thứ 2 cột thứ 4) có nghĩa là sự cao ngạo, mạnh mẽ không giống như ý tứ trong bài thơ.
-   Phía sau chữ lai () ở câu 6 theo nguyên tác là trúc hạ ca (), còn ở trên bình phong lại là bộc lục ca (𣅃).
-  Hai câu 7 và 8 trong nguyên tác là Mạc giao minh nguyệt khứ, Lưu trước túy Thường Nga (,娥) được thay bằng 2 câu Bình sinh khách thỏa chí,tự cổ tiêu thường nga(平生客妥志, 自古標嫦娥).
Lạc khoản “Thư ư Thanh Phong Hiên” (扵淸風軒)khắc ở cuối bài thơ Cung trung hành lạc kỳ 4 có khả năng chữ Thanh Phong hiên chính là chiếc chòi lá mà Thoại Ngọc Hầu đã nghỉ ngơi trong khi quan sát những người thợ xây lăng của mình. Ngoài ra trên những tấm ảnh của người Pháp chụp mộ bà Châu thị Tế và Thoại Ngọc Hầu vào khoảng năm 1920, chúng ta đã thấy những dòng chữ trên tấm bình phong này rồi.

Điều này khiến chúng ta đặt ra giả thuyết rằng người viết bài thơ này giao cho người thợ khắc lên tấm bình phong. Do trình độ hiểu biết về Hán Nôm và thơ Đường bị hạn chế nên người thợ khắc nhầm và thiếu một số chữ còn hai câu cuối khắc không giống nguyên tác là do ý đồ của người khắc. Một khi chữ đã được khắc vào rồi thì không thể nào sửa chữa lại được.
Để bảo tồn những di tích không bị mai một theo thời gian đồng thời tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu tìm hiểu hai bài thơ trên tấm bình phong có những nét sai biệt so với nguyên tác của Lý Bạch, chúng tôi có những ý kiến đóng góp như sau :
-  Vẫn giữ nguyên hiện trạng cũ nhưng bên cạnh hai bài thơ này phải có những chú thích và hiệu đính lại những chữ sai và thiếu so với nguyên tác.
-  Bên cạnh bảng chú thích và hiệu đính nên có  bản nguyên tác hai bài thơ của Lý Bạch với bố cục theo thể ngũ ngôn bát cú để các nhà nghiên cứu tham khảo và đối chiếu với những chữ trên bia.
Đây là một việc làm mang tính thiết thực cùng với việc phục chế lại 2 bia Vĩnh Tế Sơn và Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương. Nếu làm tốt công tác này cùng với việc đào tạo những người thuyết minh về di tích bên trong lăng Thoại Ngọc Hầu sẽ thu hút nhiều du khách, các nhà nghiên cứu đến tham quan tìm hiểu. Tránh tình trạng như hiện nay các đoàn khách đến tham quan, vào đền thờ thắp nhang tưởng nhớ Thoại Ngọc Hầu rồi ra về bởi vì không có người thuyết minh để giải đáp  những thắc mắc của du khách về công lao của Thoại Ngọc Hầu đối với vùng đất Nam Bộ. Đây cũng là cách giáo dục các thế hệ trẻ tìm hiểu về lịch sử các danh nhân địa phương mà hiện nay trong chương trình lịch sử trong các trường phổ thông còn đang bỏ ngỏ.
Lâm Thanh Quang.
Chú thích :
(1) Vào năm 1978-1885 phía bên trái lăng bị trưng dụng làm quán nhậu và bán nước giải khát. Những người vô ý thức đi tiểu bên vách lăng nên nó bị xuống cấp nhanh chóng. Trong đợt trùng tu vào năm 2010-2012 các nhà trùng tu  phải dùng vôi tam hợp bao gồm vôi cát, xi măng để thay thế ô dước, mật đường và cát như nguyên gốc.
(2)  Chữ trên nguyên tác có nghĩa là thê lương còn chữ trên bia có nghĩa là tiếng huýt gió.


Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

Bia Vĩnh Tế sơn.


Bia “Vĩnh Tế Sơn”
Một bảo vật quốc  gia đang bị lãng quên

H01  Lăng Thoại Ngọc Hầu dưới chân núi Sam khi chưa trùng tu.
Bia Vĩnh Tế Sơn hay còn được gọi là “Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế Sơn bi ký” là một bài văn do Thoại Ngọc Hầu cho ghi chép lại việc khai phá vùng đất Châu Đốc ngày nay, đồng thời ghi nhớ ơn vua đã lấy tên phu nhân Châu Thị Tế đặt tên mới cho núi Sam là Vĩnh Tế Sơn.
Bia do Thoại Ngọc Hầu Nguyễn văn Thoại soạn và cho người khắc vào năm Minh Mạng thứ 9 ( 1828) ; sau khi việc đào kinh Vĩnh Tế hoàn thành (1819-1824) và con đường Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương ( 1826-1827) cũng vừa được đắp xong. Bia được dựng nơi sơn lăng dưới chân núi Sam, đối diện với Miếu Bà Chúa Xứ. Đây là nơi đã được chọn làm chốn yên nghỉ của ông và hai vị phu nhân là Châu Thị Tế và Trương Thị Miệt.  
Sau khi hoàn tất việc đào kinh Vĩnh Tế , con lộ từ Châu Đốc đến chân núi Sam cũng được Thoại Ngọc Hầu khẩn trương khởi công vào năm 1826 và hoàn tất vào năm 1827. Con lộ này có chiều dài khoảng 5km, bề ngang hơn 5m chạy từ chân núi Sam đến nội ô Châu Đốc tên là “Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương” . Sau khi con lộ được hoàn thành, ông đã cho dựng tại chân núi Sam bia Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương. Tiếc thay tấm bia đã bị vỡ, người ta chỉ tìm được vài mảnh của bia có ghi bốn chữ “ Châu Đốc Tân lộ…..” gần lăng Thoại Ngọc Hầu (1). Sau đó, ông đã tiến hành  xây dựng sơn lăng vào năm 1828 cho hai vị phu nhân và cũng là nơi an nghỉ sau cùng của mình. Đây là tâm nguyện cuối đời của ông vì khi đó ông đã ở gần tuổi thất thập cổ lai hy.
Cũng trong năm này, ông cho soạn thảo bia “Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế Sơn” hay còn được gọi tắt là bia Vĩnh Tế Sơn. Đây là một áng văn chương tuyệt tác ghi lại sự gian nan cực khổ khi khai phá vùng đất này và việc đào kinh ; đồng thời cũng bày tỏ lòng tri ơn nhà vua đã ban tên phu nhân Châu Thị Tế cho con kinh mới đào là Vĩnh Tế Hà  và núi Sam là Vĩnh Tế Sơn. Chữ Vĩnh Tế được ghép từ tên của dòng họ Châu Vĩnh tại cù lao Dài ( nay thuộc huyện Vũng Liêm , tỉnh Vĩnh Long) và tên Châu Thị Tế.
Mặc dầu ông không trực tiếp đứng ra soạn văn bia này bởi vì người soạn bài văn là Võ Tam Hà vốn là một cựu thần của nhà Lê đi theo ông với vai trò của một thư lại.  Ngoài ra còn có  người hỗ trợ cho việc soạn văn bia là Tô Giang Nguyễn Chung Phủ. Tuy nhiên ông đứng vai trò giám sát và hiệu chỉnh lại việc soạn văn bia.
Chất liệu của bia Vĩnh Tế Sơn được cho rằng lấy từ đá hoa tại vùng núi phía Tây nước Chân Lạp. Các nghệ nhân khắc bia được rước từ vùng Ngũ Hành Sơn là quê hương của ông . Vì vậy trên bia này thể hiện từng đường nét chạm trổ hoa văn rất khéo léo. Bia có bề ngang khoảng 0,96m , chiều dài là 1,65m chưa kể phần chân bia chôn dưới đất, dầy khoảng 0,2m, được chạm theo kiểu tam cấp với ba bậc lồng khung vào nhau. Trên đầu bia ở bậc thứ nhất là hình “Lưỡng long tranh châu” uốn lượn trong đám mây, còn xung quanh là hình hoa lá. Bậc thứ hai là dòng chữ “Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế Sơn bi ký” khắc nổi, được bố trí theo hàng ngang từ phải sang trái. Xuống thêm một bậc nữa mới đến bài văn bia được sắp xếp theo hàng dọc với độ dài ngắn khác nhau. Việc trình bày văn bia này tuân thủ theo qui định của triều Nguyễn là những chữ quan trọng và có dính đến vua chúa như chữ Hoàng (), chữ Thánh (), chữ Ngọc ()… phải được mang lên đầu cột.  Những chữ này được gọi là chữ “ Đài”.

H02. Bia Vĩnh Tế Sơn nằm ở mặt sau vách trước lăng.

Những năm 60 của thế kỷ 20, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu trong công trình nghiên cứu về Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá vùng đất Hậu Giang đã tìm đến sơn lăng Thoại Ngọc Hầu dưới chân núi Sam để chụp hình và ghi lại những chữ trên văn bia Vĩnh Tế Sơn, nhưng những nét chữ trên bia đã mờ không còn đọc được. Nguyên nhân do cấu tạo của bia bằng đá mềm để dễ chạm khắc chứ không cứng như bia Thoại Sơn làm từ đá hoa cương tại núi Sập (Thoại Sơn). Qua một thời gian dài  không ai quan tâm, bị vùi dập dưới đất nên bia bị nước mưa xâm thực nặng. Nền bia bị loang lỗ, nét chữ bị mờ chỉ còn đọc được một số chữ .
Không nãn lòng, ông tìm trong các thư viện trong và ngoài nước nhưng vẫn không tìm ra văn bản này. Cuối cùng, nhờ cơ duyên nên ông tìm được văn bản chép tay bài văn bia Vĩnh Tế Sơn  tại nhà Tú Tài Trần Hữu Thường ở Tân Châu ( nay là xã Thường Phước thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).
Khi nghiên cứu những công trình của Thoại Ngọc Hầu, tôi đã đến sơn lăng chụp lại những dòng chữ trên bia Vĩnh Tế Sơn và hiệu chỉnh lại một vài số liệu mà trước đây nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu vẫn còn để ngỏ do hạn chế về thiết bị và phương thức tiếp cận tư liệu ở giai đoạn đó so với ngày nay. Đây cũng là để tiếp tục hoàn thành công trình của người thầy đã từng dạy Việt Văn cho tôi dưới mái trường Thủ Khoa Nghĩa cách nay gần 50 năm. Ngoài ra tôi đã được tiếp cận ấn bản của hội Nghiên cứu Đông Dương xuất bản từ năm 1902 đến năm 1906 tại thư viện của viện Bảo Tàng Lịch Sử TP HCM mà ngày xưa là trụ sở của hội Nghiên Cứu Đông Dương, trong đó có bản chép và phiên âm bằng chữ Hán cùng với bản dịch bằng tiếng Pháp bia văn Vĩnh tế Sơn và Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương do ông Trần văn Hanh dịch vào năm 1905. May mắn tiếp theo là trong lúc hiệu đính tôi đã được bạn bè tìm giúp  một bản chữ Hán của ông Cao Khắc Kiệm đăng trên tạp chí Nam Phong số 47 năm 1921. Nhờ so sánh các bản dịch cùng với việc khảo sát những chữ còn sót lại trên bia tôi đã hiệu đính thành công bài văn bia Vĩnh Tế Sơn này.
Toàn bài bia văn Vĩnh Tế Sơn như sau :
奉 特 賜 名 永 濟 山 碑 記
坤 靈 秀 氣 凝 結 而 為 山 人 因 而 名 之 其 來 尚 矣
或 以 勝 槩 或 以 佳 跡 或 以 象 類 或 以 邑 里 亦 以 昔 人 所 登 臨 遊 玩 而 名 之 亦 以 髙 士 所 棲 遲 隱 逸 而 名 之 大 抵 俗 傳 韻 語 習 而 稱 呼 耳
其 獲 登 瑤 版 經 睿 鑒 造 嘉 名 以 旌 殊 貺 者 鮮 矣 而 況 遠 界 番 陬 深 居 荒 服 者 乎
朱 篤 地 界 古 蠻 番 區 也 皇 朝 開 拓 南 服 其 地 方 入 版 圖 嚴 設 屯 營 以 控 番 國 屯 之 後 有 山 焉 曰 杉 山 俗 名 也 林 薮 荒 邈 猶 為 土 人 客 獠 之 居 雖 有 奇 景 佳 跡 亦 一 幽 巖 亂 石 之 堆 阜 爾 意 者 造 物 有 待 而 後 使 之 呈 奇 獻 異 歟
欽 奉 聖 上 經 理 封 疆 嚴 設 屯 守 臣 瑞 玉 侯 本 領 保 護 藩 邦 兼 按 守 朱 篤 屯 經 奉 玉 諭
文 軌 混 同 關 城 晏 閉 欲 使 莽 蒼 皆 成 閭 閻 氓 隷 悉 為 編 户 桑 蔴 翳 野 煙 火 相 望 與 寓 縣 並 躋 富 殷 之 盛 仰 庙
臣 受 命    鳩 民 以 立 邑 乃 相 本 地  路 橫 達 雙 雙 長 江 路 上 至 滀 榮 路 上 至 爐 嶇 隨 便 歸 為 村 落 開 墾 田 園 雖 未 足 以 副 萬 分 之 而 以 今 視 昔 則 殊 異 矣
艾 蓬 翦 棘 之 後 白 分 石 腳 綠 孑 竹 捎 此 山 遂 出 色 焉 盤 然 特 峙 闞 清 流 而 按 峻 岸 林 圃 遶 其 麓 嵐 捲 炊 煙 寺 庙 倚 其 嶺 香 飄 雲 盎 庶 幾 中 州 風 景 矣
奉 畫 圖 馳 進 仰 蒙 睿 照 以 昔 年 臣 奉 董 役 浚 東 川 港 道 既 以 臣 爵 名 表 港 傍 之 柆 山 曰 瑞 山 至 是 又 軫 及 臣 心 能 乘 關 雎 之 化 以 齊 其 家 而 臣 妻 朱 氏 名 濟 能 化 周 南 之 德 以 內 勗 其 夫 靡 盬 之 忱 有 少 助 焉 遂 以 人 名 賜 山 名 為 永 濟 山
人 以 山 標 名 而 釵 髻 增 光 皇 澤 之 膏 沐 也 山 以 人 得 號 而 草 花 生 色 皇 霑 之 滋 潤 也
臣 眼 腦 眺 舒 心 官 默 識 眞 山 運 遭 逢 之 嘉 會 而 老 臣 際 遇 之 緣 不 然 何 以 膺 此 寵 靈 也
寡 完 因 解 旇 徂 化 大 之 遺 得 就 此 山 以 阡 焉
地 名 其 姓 山 名 其 人 寄 而 表 焉 歸 而 藏 焉 頓 覺 三 生 之 夙 契 寔 賴 鴻 造 之 有 成 豈 尋 常 之 榮 異 者 哉
至 乃 晨 光 散 霚 夕 照 飛 霞 木 笨 𥳰 以 垂 清 草 芊 眠 而 鋪 翠 塵 清 驛 路 凭 磴 遙 瞻 練 静 江 流 停 橈 閒 玩 指 點 相 謂 曰 此 特 攽 賜 名 永 濟 山 也
然 則 山 以 人 傳 歟 人 以 山 傳 歟 曰 是 皇 家 高 厚 之 恩 悠 久 無 疆 也 臣 謹 記
明 命 玖 年 歲 在 戊 子 著 雍 困 敦 秋 分 之 候
欽 差 統 制 按 守 朱 篤 屯 領 保 護 高 綿 國 印 兼 管 河 僊 鎭 邊 務 加 貳 級 紀 录 四 次 瑞 玉 侯 制
右 舊 黎 朝 中 試 三 河 武 視 承 撰
右 舊 黎 朝 員 子 蘇 江 阮 鐘 甫 承 寫
Bản phiên âm :
PHỤNG ĐẶC TỨ DANH VĨNH TẾ SƠN BI KÝ
Khôn linh tú khí, ngưng kiết nhi vi sơn, nhơn nhân nhi danh chi, kỳ lai thượng hĩ. Hoặc dĩ thắng khái, hoặc dĩ giai tích, hoặc dĩ tượng loại, hoặc dĩ ấp lý, diệc dĩ tích nhơn sở đăng lâm du ngoạn nhi danh chi, diệc dĩ cao sĩ sở thê trì ẩn dật nhi danh chi, đại để tục truyền vận ngữ, tập nhi xưng hô nhĩ. Kì hoạch đăng diêu bản, kinh duệ giám, tạo gia danh dĩ sanh thù huống giả tiển hĩ, nhi huống viễn giới phiên tưu, thâm cư hoang phục giả hồ ?
Châu Đốc địa giới cổ man phiên khu dã.
Hoàng triều khai thác Nam phục, kỳ địa phương nhập bản đồ; kinh thiết đồn doanh, dĩ khống phiên quốc. Đồn chi hậu hữu sơn yên viết Sam sơn, tục danh dã. Lâm tẩu hoang mạc, du vi thổ nhân khách liêu (2) chi cư. Tuy hữu kỳ cảnh giai tích, diệc nhứt u nham loạn thạch chi đôi phụ nhĩ. Ý giả tạo vật hữu đãi nhi hậu sử chi trình kỳ hiến dị dư ?
Khâm phụng Thánh thượng kinh lí phong cương, nghiêm thiết đồn thủ. Thần Thoại Ngọc Hầu bổn lãnh bảo hộ phiên bang, kiêm án thủ Châu Đốc đồn, kinh phụng ngọc dụ.
Văn quỹ hỗn đồng, quan thành án bế, dục sử mãng thương giai thành lư diêm, manh lệ tất vi biên hộ, tang ma ế dã, yên hỏa tương vọng, dữ ngụ huyện tịnh tê phú ân chi thạnh.
Thần thọ mạng kì cần, cưu dân dĩ lập ấp, nãi tương bổn giới địa thế (3) : nhứt lộ hoành đạt song song trường giang (4), nhứt lộ thượng chí Sốc Vang (5), nhứt lộ thượng chí Lò Gò (6), tùy tiện qui vi thôn lạc, khai khẩn điền viên. Tuy vị túc dĩ phó vạn phần chi nhứt, nhi dĩ kim thị tích tắc thù dị hĩ.
Ngải bồng tiễn cức chi hậu, bạch phân thạch cước, lục kiết trúc sao, thử sơn toại xuất sắc yên, bàn nhiên đặc trĩ. Hám thanh lưu nhi chẩm tuấn ngạn, lâm phố nhiễu kỳ lộc, lam quyện xuy yên, tự miếu ỷ kỳ điên, hương phiêu vân cái, thứ cơ trung châu phong cảnh hĩ.
Phụng họa đồ trì tiến, ngưỡng mông duệ chiếu; dĩ tích niên thần phụng đổng dịch tuấn Đông Xuyên cảng đạo, kí dĩ thần tước danh biểu cảng bàng chi Sập sơn viết “Thoại Sơn”. Chí thị hựu chẩn cập thần tâm, năng thừa Quan Thơ (7) chi hóa, dĩ tề kỳ gia, nhi thần thê Châu Thị danh Tế năng hóa Châu Nam (8) chi đức dĩ nội trợ kỳ phu, mi giám chi thầm hữu thiểu trợ yên. Toại dĩ nhơn danh tứ sơn danh, vi “Vĩnh Tế Sơn”. Nhân dĩ sơn phiêu danh nhi thoa kế tăng quang,
Hoàng trạch chi cao mộc dã, sơn dĩ nhân đắc hiệu nhi thảo hoa sanh sắc,
Hoàng triêm chi tư nhuận dã.
Thần nhãn não diêu thư, tâm quan mặc chí. Chân sơn vận tao phùng chi gia hội, nhi lão thần tế ngộ chi kỳ duyên. Bất nhiên, hà dĩ ưng thử sủng linh dã?
Đãi nữ quả hoàn nhân, giải phi tồ hóa dĩ tứ đại chi di, đắc tựu thử sơn dĩ tự thiên yên. Địa danh kì tánh, sơn danh kì nhơn, ký nhi biểu yên, quy nhi tàng yên, đốn giác tam sanh chi túc khế, thiệt lại hồng tạo chi hữu thành, khởi tầm thường chi vinh dị giả tai !
Chí nãi thần quang tán vụ, tịch chiếu phi hà, mộc bổn đính dĩ thùy thanh, thảo thiên miên nhi phô thúy, trần thanh dịch lộ, bằng đặng diêu chiêm, luyện tịnh giang lưu, đình nhiêu nhàn ngoạn, chỉ điểm tương vị viết: “Thử đặc ban tứ danh Vĩnh Tế Sơn dã!”
Nhiên tắc sơn dĩ nhân truyền dư ? Nhân dĩ sơn truyền dư ? Viết thị Hoàng gia cao hậu chi ân, du cửu vô cương dã. Thần cẩn ký.
Minh Mạng cửu (9) niên, Tuế tại trứ ung khổn đôn, thu phân chi hậu (10).
Khâm sai Thống chế, Án thủ Châu Đốc đồn, lãnh Bảo hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ, gia nhị cấp kỷ lục tứ thứ (11), Thoại Ngọc Hầu chế.
Hữu (12), cựu Lê triều trúng thí, Tam Hà Võ thị thừa soạn.
Hữu, cựu Lê triều viên tử, Tô Giang Nguyễn Chung Phủ thừa tả.
Bản dịch nghĩa :
Bài văn bia phụng soạn nhân dịp vua đặc biệt ban tên núi Vĩnh Tế
Đất thiêng khí lành, ngưng kết mà thành núi, người nhân đó mà đặt ra tên, ấy là việc đã có từ xa xưa.  Hoặc do cảnh đẹp, hoặc vì tích hay, hoặc tựa hình dáng, hoặc theo thôn ấp, cũng có khi do người xưa lên đây du ngoạn mà đặt tên, hoặc vì các bậc cao nhân dật sĩ đến nghỉ ngơi ẩn cư mà tên lại có, đại để đều do tục truyền lời xưa đã quen mà gọi vậy.
Khi dâng lên bản ngọc, vua sáng suốt minh xét đặt danh thơm mà biểu dương lưu lại, việc này ít có vậy.  Huống chi là chốn xa xôi, ở tận cùng phiên dậu, nơi thâm sâu hoang dã, thì việc này càng ít có lắm thay !
Đất Châu Đốc xưa kia thuộc khu vực Phiên Man (Cao Miên) vậy.  Triều đình mở mang thâu phục cõi Nam, cho đất nhập vào bản đồ, nghiêm đặt đồn doanh để khống chế nước Phiên.  Phía sau đồn có núi, tục gọi núi Sam vậy. Rừng rậm chằm ao hoang vắng xa xôi, còn là chốn ngụ cư của người Thổ và người Khách Liêu (Côn Man).  Tuy có cảnh đẹp tích hay, chẳng qua là một hang tối sâu, đá loạn, gò thấp mà thôi.  Ý chừng Trời cao đãi ngộ để sau này dùng đến, mà sắp bày cảnh lạ đẹp đến vậy chăng ?
Phụng mệnh Thánh Thượng kinh lý bờ cõi, sửa sang đồn thủ, thần Thoại Ngọc Hầu vốn lãnh chức Bảo Hộ nước Phiên (Cao Miên) kiêm Án Thủ đồn Châu Đốc, xin vâng theo lời chỉ dụ vàng ngọc của vua :
" Nền văn hiến chung đồng làm một, nơi cửa thành đóng kín an vui, những mong nơi cỏ hoang bát ngát đều trở thành làng mạc, để người dân lưu tán có sổ kê biên, dâu gai đầy đồng, khói bếp tỏa khắp, người dân chung sống trong huyện được hưởng ấm no thịnh vượng".
Thần thụ mệnh siêng năng kính cẩn, nhóm dân lập ấp ; tùy xem địa thế : một đường ngang song song với Trường Giang (sông Lớn), một đường thẳng đến Sốc Vang, một đường thẳng đến Lò Gò, tùy theo sự thuận tiện mà hợp thành thôn làng, khai khẩn ruộng vườn.  Tuy việc được giao phó trong muôn phần chưa thỏa mãn được một, nhưng so với lúc xưa, thật là khác nhau lắm vậy.
Từ sau khi dọn cỏ phát gai, chân núi hiện rõ trắng phau, ngọn tre một màu xanh ngắt, núi này trông đẹp đẽ hẳn lên vậy, núi quả nhiên sừng sững khác hẳn.  Ngắm dòng nước biếc mà vỗ bờ cao, ruộng vườn dọc quanh chân núi, khí sơn lam quyện chung khói bếp, chùa miếu hòa vào đèo núi, hương tỏa mây lồng, thật không kém gì cảnh đẹp nơi đô thành vậy.
Phụng mệnh vội vã dâng lên bức họa đồ, ngưỡng mong Thánh Thượng soi xét.  Do năm xưa thần phụng mệnh coi sóc việc đào kênh Đông Xuyên, vì vậy mà tước danh thần được mang tên là tên sông Thoại (Thoại Hà), bên cạnh việc núi Sập được đổi tên thành núi Thoại (Thoại Sơn).  Đến nay lại vì nỗi xót xa trong lòng của thần , tiếp thừa đạo nghĩa vợ chồng Quan Thư mà lo việc nhà ổn thỏa, rồi vợ thần là Châu Thị Tế đã có được đức hạnh Châu Nam mà lo việc nội trợ cho chồng, có chút nhiệt tâm hỗ trợ việc công vậy, nên lấy tên người ban cho tên núi là núi Vĩnh Tế (Vĩnh Tế Sơn).
Người nhờ núi nêu tên mà trâm tóc vẻ vang, ơn vua gội thấm vậy; núi nhờ người được danh hiệu mà cỏ hoa khoe sắc, ơn vua tưới nhuần thay.
Thần nhãn não mở mang, lòng thầm ghi nhớ, thật là vận núi gặp được hội tao phùng mà lão thần do kỳ duyên được tế ngộ.  Nếu không phải vậy, do đâu mà có được sự ân sủng thiêng liêng đến thế ?
Kịp khi vợ nhà đã về với núi, thoát bỏ trần duyên mà về với tứ đại, mong được yên nghỉ tại núi này lắm thay ! Đất đặt tên theo họ, núi đặt tên theo người.  Sống gởi mà hiển dương sao, thác về còn lưu dấu vậy !  Chợt ngộ rằng duyên nợ ba sinh thật nhờ ơn Trời mà được, há chẳng khác vinh hoa tầm thường lắm chăng ?
Lại khi ánh mai sương tản, bóng chiều ráng rọi, cây cối xù xì rậm rạp ửng một màu xanh,  ngọn cỏ như bừng tỉnh dậy khoe sắc thắm. Bụi lắng trên đường, dõi nhìn bậc thang trên núi xa xa, dòng sông như giải lụa yên tĩnh, lỏng buông tay chèo nhàn hạ thưởng ngoạn, trỏ nơi ấy mà bảo nhau rằng : " Đây, nơi vua đặc biệt ban tên là núi Vĩnh Tế vậy!"

Thế thì núi nhờ người mà được lưu truyền chăng ? Người nhờ núi mà được lưu truyền chăng?  Nghĩ rằng: do Vương triều ơn gội cao dày, sánh cùng trời đất lâu dài mà được vậy.  Thần kính cẩn ghi lại.
Năm Minh Mạng 9 (1828 nhằm năm Mậu Tý), can Trứ Ung chi Khốn Đôn, nhằm tiết Thu Phân.
Khâm Sai Thống Chế án thủ đồn Châu Đốc, lãnh Quốc Ấn Bảo hộ Cao Miên, kiêm quản việc biên giới thuộc trấn Hà Tiên, gia cấp bậc thứ hai, kỷ lục lần thứ tư, Thoại Ngọc Hầu tạo tác.
Phần trên do người đậu kỳ thi tuyển của triều Lê xưa, Tam Hà họ Võ vâng lệnh soạn thảo.
Phần trên do thư lại của triều Lê xưa, Tô Giang Nguyễn Chung Phủ vâng lệnh sao chép.


H03. Bia vĩnh Tế sơn với nội dung đã được phục chế.


H04. Hoa văn lưỡng long tranh châu trên bia.

Có một vài ý kiến cho rằng bia đã được khắc chữ lại vào đầu thập niên 1960 nhưng qua khảo sát không hề có một dấu vết chứng tỏ đã làm lại bởi vì trên nền bia bị xâm thực loang lổ không thể nào khắc lại chữ được.
Một vấn đề khá lý thú nữa, là bốn tấm bia bằng sa thạch màu đen được đặt kề bên bia Vĩnh tế Sơn gợi cho ta những giả thuyết sau :
Trong lúc đào kinh Vĩnh Tế và khai phá vùng Châu Đốc, Thoại Ngọc Hầu đã tìm thấy 4 tấm bia bằng sa thạch này. Những tấm bia này có nguồn gốc từ vương quốc  Phù Nam ( tồn tại từ đầu Công nguyên đến thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên). Trên các tấm bia này có ghi những dòng chữ Phạn cổ. Lúc đầu ông định sử dụng 4 tấm bia này để ghi bài văn Vĩnh Tế Sơn nên đã cho người mài nhẵn những chữ Phạn cổ trên tấm bia này. Công việc tưởng chừng thuận lợi rốt cuộc lại khó khăn. Do bia làm bằng sa thạch rất cứng nên việc khắc chữ trên bia mất nhiều thời gian mà không đem lại kết quả như ý muốn. Vì vậy ông phải bỏ cuộc và thay vào đó bằng đá hoa có nguồn gốc từ phía Tây của Chân Lạp mềm hơn để dễ dàng khắc những hoa văn lên trên đó. Dấu tích còn sót lại minh chứng cho điều này là chúng ta phát hiện có một vài chữ Hán ghi trên bia bằng sa thạch (ở tấm bia phía trái bia Vĩnh Tế Sơn ), còn tấm bia phía bên phải có những dòng chữ Phạn cổ còn sót lại trên nền bia chưa bị mài nhẵn. Chứng cứ này càng thêm xác định giả thuyết trên là đúng.
Nhờ vào bia Vĩnh Tế Sơn, người đời sau có thể tìm lại được công trình của ông Thoại Ngọc Hầu và những di tích liên quan đến Châu Đốc đã bị lãng quên. Thí dụ như trong câu : nhất lộ hoành đạt song song Trường Giang, nhất lộ thượng chí Sóc Vang, nhất lộ thượng chí Lò Gò” người ta mới biết ông đã làm con đường từ Long Xuyên đi Châu Đốc song song với sông Hậu. Con đường này được làm song song với việc đào kinh Vĩnh tế và tận dụng số lượng dân quân dư thừa trong mùa nước nổi không thể đào kinh được nên chuyển dang làm nhiệm vụ đắp đường. Con đường này chỉ cho xe ngựa và khách bộ hành đi lại dễ dàng bởi vì trước đó chỉ là lối mòn do người dân đi lại mà thành, vào mùa nước nổi thì bị ngập không đi lại được. Nhờ con đường này mà đồn Châu Đốc có thể liên hệ với bảo Đông Xuyên. Mãi đến năm 1922 người Pháp mới mở rộng con đường này để cho ô tô đi lại dễ dàng.  Con đường từ Châu Đốc đến Nam Vang tức Phnom Penh ngày nay và con đường từ Châu Đốc đến Lò Gò tức Angkor Borey thủ đô của vương quốc cổ Phù Nam cũng được ông cho làm. Đây là con đường chiến lược bởi vì từ năm 1819 khi nhận chức bảo hộ Cao Miên lần thứ 3, ông không ở Nam Vang mà sống tại đồn Châu Đốc để trông coi việc đào kinh Vĩnh tế.Tin tức từ thành Nam Vang sáng sớm nếu phi ngựa đi trên con đường này thì đến chiều sẽ đến thành Châu Đốc. Đồn đóng tại vùng Angkor Borey có nhiệm vụ bảo vệ cho đồn Châu Đốc trước sự xâm lấn của quân Xiêm từ hướng tây. Đồn Châu Đốc ngày xưa đã được định vị trên bản đồ hiện nay, nó hình lục giác gồm 2 cạnh dài và 4 cạnh ngắn, được làm bằng đất có cạnh dài từ đông sang tây khoảng 640m( từ đường Nguyễn Đình Chiểu đến đường Louis Pasteur ). Chiều ngang của đồn khoảng 320 m ( từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Thủ Khoa Nghĩa). Cầu Kinh Giồng trên đường Louis Pasteur chính là điểm xuất phát của kinh Vĩnh tế bởi vì từ đó đến đầu vàm nơi có đình Vĩnh Nguơn chính là hào thành phía Tây của đồn Châu Đốc. Đồn có 3 cửa : cửa phía Đông là cửa chính, cửa phía Bắc là nơi quân đồn trú, cửa phía Tây là kho chứa quân lương.


H05. Vị trí đồn châu Đốc so với hiện nay.
Ngoài tên gọi là Vĩnh Tế Sơn, núi Sam còn được gọi là Học Lãnh sơn. Điều này thể hiện qua hai câu đối nơi chính điện miếu Bà Chúa Xứ núi Sam
鱟嶺威嚴同荷坤貞之採
朱江節映均蒙普度之恩
Dịch âm : Học Lãnh uy nghiêm, đồng hà khôn trinh chi thải,
              Châu Giang tiết ánh, quân mông phổ độ chi ân.
Tên gọi này xuất hiện trước khi tên Vĩnh Tế được ban cho núi Sam.
Để bảo tồn bia Vĩnh Tế Sơn không bị hư hại theo thời gian do để ngoài trời chịu nhiều mưa nắng, UBBND thành phố Châu Đốc cùng với hội KHLS An Giang đã tiến hành hiệu đính và phục dựng laị bia Vĩnh tế Sơn cùng với bia Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương. Đến nay thì công việc hiệu đính đã xong còn phần thiết kế lại bia thì đang tiến hành.
Bia phục chế  này sẽ làm hai mặt : một mặt chữ Hán sẽ được trình bày theo lối văn bia cổ, mặt kia sẽ làm bằng chữ Việt để cho mọi người có thể đọc được. Tuy nhiên việc thực hiện những hoa văn trên mặt bia bằng phương pháp thủ công là chuyện không tưởng, bởi vì những hoa văn khắc trên bia rất phức tạp và tinh xảo, cần người thợ có tay nghề cao và mất nhiều thời gian , công sức. Tuy nhiên, vấn đề này có thể khắc phục bằng cách sử dụng máy khắc đá kỹ thuật số, một thành tựu trong việc tự động hóa ngành điêu khắc hiện nay. Bia sẽ được máy móc chuyên dùng ghi và dựng lại theo công nghệ 3D, khắc phục những khiếm khuyết rồi mới được đưa đến máy để thực hiện công đoạn chạm khắc. Nếu sử dụng công nghệ này thì thời gian chạm khắc sẽ được rút ngắn và những hoa văn sẽ được thực hiện chính xác theo đúng nguyên bản. Vấn đề còn lại là các văn tự Hán Nôm phải được thẩm định nghiêm ngặt, tránh sai sót trong quá trình chế tác.
Bảo tồn và tôn tạo những di tích như lăng, bia cổ là việc làm cần thiết bởi vì nó ghi lại được sự gian khổ, hy sinh của các bậc tiền nhân đã khai phá và giữ gìn từng tấc đất của quê hương. Đây là một bài học thực tế nhất để con cháu đời sau không quên cội nguồn của mình và để môn lịch sử không bị lãng quên theo thời gian. Đó cũng là niềm tin để thế hệ sau này hướng tới tương lai trong niềm tự hào của dân tộc chứ không lệ thuộc ngoại bang.
LÂM THANH QUANG.
Chú thích :
(1) Bia này đang được phục chế cùng với bia Vĩnh tế Sơn.
 (2) Chữ客獠 trong bản Hán văn đọc là khách liêu chỉ dân tộc thiểu số còn lạc hậu từ nơi khác đến . Ở đây Thoại Ngọc Hầu ám chỉ người Chăm sống ở An Giang có nguồn gốc từ miền Trung Việt Nam bị chúa Nguyễn đánh đuổi chạy sang Chân Lạp. Do đụng chạm với người Chân Lạp nên họ bị đàn áp dã man. Sau đó họ theo Nguyễn Cư Trinh về định cư tại An Giang. Người Lào chưa từng sống ở vùng An Giang. Thoại Ngọc Hầu đã từng đi sứ sang Lào ( còn gọi là Lão Qua) nên rất rõ điều này.
 (3) Chữ thế trong văn bia là chữ nôm   chứ không phải chữ như trong sách đã ghi. Chữ nôm  này ngày nay ít được dùng.
(4) Con đường này không được nhắc đến trong công trình của Thoại Ngọc Hầu đối với vùng đất An Giang bởi vì người ta gộp chung nó với công trình đào kinh Vĩnh tế.
(5) Sốc Vang : là Nam Vang tức Phnom Penh thủ đô của Vương quốc Campuchia hiện nay.
(6) Lò Gò : là Angkor Borey, thủ đô của Vương Quốc Phù Nam cỗ tồn tại từ đầu Công Nguyên đến thế kỷ thứ 7. Người Việt còn gọi là Ba Nam.
(7) Điển tích Quan Thư lấy từ 4 câu thơ trong kinh thi :
Dịch âm :
Quan quan thư cưu,
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu.

Dịch nghĩa

Đôi chim thư cưu hót hoạ nghe quan quan,
Ở trên cồn bên sông.
Người thục nữ u nhàn,
Phải là lứa tốt của bực quân tử (vua). ( nguồn thivien.net)
(8) Điển tích Châu Nam là những bài thơ của nước Châu Nam trong kinh Thi có 11 thiên, cả thẩy 34 chương, 159 câu.
Theo phần thơ Châu nam này, 5 bài thơ đầu đều nói về đức hạnh của bà Hậu phi.
Những bài thơ này được truyền tụng trong dân gian nói về đức hạnh của người phụ nữ lo việc nội trợ giúp chồng.
(9). Chữ cửu (玖) trên bia là ch là chữ cửu kép. Theo Khâm định Đại Nam Hội điển Sử lệ thì bắt đầu từ năm Minh Mạng thứ tư, những chữ ghi niên hiệu của nhà vua và những chữ số quan trọng trong các văn bản phải dùng chữ số kép để tránh bị sửa chữa làm sai lệch nguyên gốc.
(10) Trong bản của ông Trần văn Hanh viết thiếu chữ phân trong cụm từ “Thu phân chi hậu” . Qua việc khảo sát văn bia thì trên bia viết rõ ràng là “ Thu phân chi hậu”.
Chữ hậu trên bia là chữ nghĩa là khí hậu chứ không phải là chữ có nghĩa là sau như trong bản của ông Trần văn Hanh. Ông Nguyễn văn Hầu đã viết đúng khi dùng chữ nghĩa là khí hậu này.
(11) Khi vua Minh Mạng lên ngôi năm 1820 đã có qui định về mức tặng thưởng. Lúc đầu chỉ có 3 bậc kỷ lục, sau thêm 2 bậc nữa thành ra 5 bậc. Đó là: Ân thưởng, Nghị tự, Tùy đới, Quân công, Trác dị.
Ba bậc đầu là cấp kỷ tầm thường. Hai bậc sau là cấp kỷ đặc biệt. Một bậc đặc biệt có giá trị bằng 2 bậc tầm thường. Mỗi cấp kỷ lại được thưởng 4 lần, gọi là “tứ thứ” .v.v…( Tự Điển nhà Nguyễn của NNC Võ Hương An  xuất bản năm 2012 tại Mỹ ). Trong lúc đào kinh Thoại Hà, ông đã được tặng thưởng ở bậc thứ nhất kỷ lục lần thứ nhất rồi, lần này ông được thưởng kỷ lục lần thứ tư là bậc tột cùng của bậc tặng thưởng thứ hai.
(12) Trong bản của ông NVH do chép sau nên không có chữ như bản của ông Trn văn Hanh. Vì vậy ông chỉ dịch theo nguyên văn chữ Hán là “Cựu thần Lê Triều trúng thí Tam Hà Võ Thị thừa soạn”.  Trong bản dịch của LTQ , tác giả đã dịch đúng theo bản của ông Trần văn Hanh là “ Phần trên do người đậu kỳ thi tuyển của Triều Lê xưa,  Tam Hà họ Võ soạn ra”. Kỳ thi tuyển ở đây không có nghĩa là kỳ thi Hương hay thi Hội do triều đình tổ chức mà là kỳ thi tuyển vào ngạch thư lại do địa phương tổ chức để lấy người vào giúp việc cho các quan chức tại địa phương.
Tô Giang Nguyễn Chung Phủ là thư lại của Triều Lê xưa nhưng không rõ đã qua kỳ thi tuyển chưa không thấy ghi ra đây. Tuy nhiên người này cũng là một người giỏi văn chương nên mới được phân công vào việc viết văn bia bởi vì chữ ghi trên văn bia nếu sai một nét cũng sẽ làm hỏng cả bài văn.

Tài liệu tham khảo :
1.Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang nhà xuất bản Hương Sen năm 1972 và nhà xuất bản Trẻ năm 2006.
2. Ấn phẩm của Viện Nghiên cứu Đông Dương ( Publication de la Société des Études Indo-Chinoises ) bản chữ Hán do ông Trần văn Hanh dịch và chữ Pháp với tựa đề Inscription de la  Montagne de Vinh-Te in tại Sài Gòn năm 1905.
3. Bản chữ Hán của ông Cao Khắc Kiệm đăng trên Tạp chí Nam Phong số 47 năm 1921.
4. Bia Vĩnh tế Sơn nơi Sơn Lăng Thoại Ngọc Hầu, P Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.